Theo PGS Cao Minh Thành – trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc vệ sinh mũi rất quan trọng, giống như đánh răng hàng ngày. Với người bị viêm mũi dị ứng, việc làm này càng cấp thiết hơn.
PGS Cao Minh Thành - trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội |
Căn bệnh gây khó chịu
Khoảng 3 tuần nay, chị Vũ Thu Phương trú tại Đặng Tiến Đông, Hà Nội thường xuyên bị viêm mũi dị ứng và ngạt mũi khó thở. Đêm ngủ hay ban ngày chị đều phải thở bằng miệng.
Bị viêm mũi dị ứng khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn, lúc nào bên cạnh chị Phương cũng phải để hộp khăn giấy. Ngạt mũi, chảy nước mũi còn làm ảnh hưởng tới các đồng nghiệp bên cạnh.
Chị Phương đã uống thuốc nhưng không khỏi mà dấu hiệu ngày càng nặng lên. Chị đã khám ở một phòng khám, bác sĩ kê thuốc viêm mũi dị ứng. Nhưng uống thuốc dễ thở hơn được 1 tuần chị lại bị tái phát.
Không chỉ riêng chị Phương, có khá nhiều bệnh nhân bị bệnh viêm mũi dị ứng làm phiền.
Chị Tô Quỳnh Hương trú tại Hà Đông, Hà Nội than thở, năm nào vào mùa thu đông, đông xuân chị cũng bị những cơn viêm mũi dị ứng hành hạ. Ban đầu là những cơn hắt hơi vào buổi sáng rồi kéo dài cả tháng, mũi nghẹt đặc, dịch mũi màu vàng hôi rất khó chịu.
Chị Hương đã uống nhiều thuốc nhưng bệnh không dứt điểm. Có lúc, chị như một đứa trẻ, nước mũi chảy dề dề.
Theo chuyên gia tai mũi họng Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt, bệnh viêm mũi dị ứng không chỉ ở trẻ em mà người lớn cũng bị nhiều. Bình thường, viêm mũi dị ứng chỉ xảy ra trong chu kỳ ngắn lặp lại, người bệnh có cảm giác buồn buồn và cay trong mũi. Sau cơn hắt hơi, nước mũi chảy ra đầm đìa, có màu ố trên khăn.
Tình trạng này kéo dài trong 1 tuần lễ rồi đột nhiên biến mất, dù có điều trị hay không điều trị nhưng mỗi năm vào đúng thời kỳ đó, bệnh lại tái diễn. Có những người bị như vậy hàng chục năm mà không khỏi. Có thể do chỗ ở hoặc do cơ địa dị ứng thời tiết của từng người.
Một vài trường hợp bị viêm mũi dị ứng kéo dài nhiều ngày, nước mũi sẽ đặc lại biến thành tiết nhờn, nước mũi lúc này có thể trong hoặc đục.
Mỗi năm bệnh viêm mũi dị ứng kiểu này xuất hiện 1- 2 lần và càng ngày càng nặng hơn, chu kỳ ngày càng kéo dài hơn. Bệnh này cần điều trị dứt điểm vì có thể niêm mạc mũi dần dần bị thoái hóa, làm giảm khả năng tự vệ.
Mũi cũng cần vệ sinh
Về vấn đề này, PGS Cao Minh Thành cho rằng, hầu hết bệnh nhân viêm mũi dị ứng đều dẫn đến xuất tiết dịch mũi quá phát, làm cho dịch trong mũi không lưu thông được, đọng lại ở mũi làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, khó thở, ngạt mũi. Nếu tình trạng không quá nặng, bệnh nhân có thể tự rửa mũi cho mình để giảm các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi.
Trong môi trường có hàng trăm con vi khuẩn, vi rút. Mũi là cửa ngõ của cơ quan hô hấp nên mỗi người cần rửa mũi như đánh răng hàng ngày để có thể làm sạch mũi, bảo vệ mũi tránh các kháng nguyên từ ngoài môi trường vào gây viêm mũi.
Cách rửa mũi đúng cách. Ảnh minh hoạ |
Khi rửa mũi, PGS Thành cho biết, tuỳ theo mức độ bệnh trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh trạng không quá nhiều mũi thì làm khoảng 2- 3 lần/ngày.
Khi làm lấy chai nước muối sinh lý 0,9% ngâm qua nước nóng khoảng 5 – 10 phút cho ấm rồi đổ ra khoảng 100 – 200ml.
Dùng xi lanh loại 10ml, 15ml hoặc 20 ml tuỳ theo lứa tuổi. Dùng xi lanh bơm đầy nước muối sinh lý, đưa nhẹ vào mũi ở ngoài cánh mũi và dưới áp lực của xi lanh, nước muối sinh lý sẽ vào mũi. Xì mũi ra, rửa hết bên này đến bên kia.
Khi rửa mũi không dùng nước muối lạnh bởi vì khi gặp nhiệt độ lạnh, quá trình ngạt mũi tăng lên. Khi sử dụng nên ngâm nước muối trong nước ấm, tránh nóng quá gây bỏng. Nhiệt độ tốt nhất là ấm vừa tay 35 – 37 độ C.
Có thể thực hiện rửa mũi với trẻ nhỏ nhưng ở trẻ nhỏ nên cẩn trọng hơn và không nên rửa mũi mạnh, rửa khi nằm vì có thể nước muối sẽ chảy vào tai gây viêm tai.
Báo infonet: http://infonet.vn/chuyen-gia-tai-mui-hong-mui-cung-can-duoc-ve-sinh-nhu-danh-rang-hang-ngay-post224761.info
0 Comments
Chưa có bình luận nào !